Nhìn nhận về vai trò của Nhà nước trong nền KTTT định hướng XHCN

Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của GS-TS.Nguyễn Phú Trọng- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã gợi mở nhiều vấn đề quan trọng đối với sự phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Liên quan bài viết này, tôi xin được tiếp tục phân tích, làm rõ thêm vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN.

Cho đến nay, một trật tự kinh tế thị trường (KTTT) thế giới được thiết lập và điều chỉnh bởi sự khác biệt về vai trò của Nhà nước giữa các quốc gia. Bởi lẽ, KTTT không còn được hiểu thuần túy là một hệ thống tự điều chỉnh và tự tối ưu hóa với quyền tự do quyết định và hành động cho các chủ thể kinh tế, mà ít nhiều đều có sự điều tiết thị trường của Nhà nước ở tất cả các quốc gia.

Theo đó, Nhà nước không hành xử thụ động, mà can thiệp tích cực vào hoạt động kinh tế thông qua chính sách kinh tế, chính sách cạnh tranh hoặc kiểm soát độc quyền và chính sách xã hội, nhằm cố gắng đưa các ý tưởng về công bằng, tự do và tăng trưởng kinh tế vào một sự cân bằng hợp lý và ngăn chặn sự thất bại của thị trường.

Nhận thức rõ vấn đề này, ở Việt Nam, ngay từ khi tiến hành nền KTTT, Nhà nước ta đã khẳng định vai trò điều tiết của mình đối với thị trường, nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của thị trường, thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh kinh tế, tạo nền tảng vật chất cho việc cải thiện, nâng cao đời sống cho mọi người dân. Nhà nước có nhiệm vụ thiết lập khuôn khổ pháp lý và tổ chức nền kinh tế-xã hội, tạo ra các điều kiện khuôn khổ đáng tin cậy cho các DN và cá nhân hoạt động cũng như cạnh tranh và cân bằng xã hội được thực hiện hài hòa với nhau.

Cụ thể, Nhà nước thực hiện quản lý nền kinh tế, định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách bảo đảm cho thị trường phát triển, tuân thủ các quy luật của KTTT, hướng tới các mục tiêu như: Tạo việc làm đầy đủ cho mọi NLĐ; ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát; tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và bền vững.

Nhà nước đồng hành cùng thị trường thông qua các hoạt động: Thông tin thị trường, định hướng thị trường, kiểm soát thị trường, kết nối, liên thông thị trường, liên kết, mở rộng thị trường giữa các địa phương, các ngành, các lĩnh vực trong nước cũng như với nước ngoài theo chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua đó, đã nâng giá trị hàng hóa của Việt Nam ngang bằng với chuẩn mực chất lượng và giá trị hàng hóa thế giới, giúp cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, không chỉ thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà cả sự luân chuyển vốn và việc làm.

Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất; khuyến khích và tạo sự chủ động, tự do và sáng tạo của các DN và cá nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú cung ứng cho thị trường trên cơ sở khai thác hiệu quả các nguồn lực: Vốn, tài nguyên, đất đai, lao động; thực hiện cạnh tranh công bằng, lành mạnh nhằm đảm bảo cung cấp hàng hóa có chất lượng tốt với giá cả hợp lý vì lợi ích người tiêu dùng và tạo cho nhà sản xuất động lực để liên tục cải tiến sản phẩm cũng như tạo thêm nhiều việc làm cho NLĐ.

Nhà nước khuyến khích phát triển đồng bộ các thị trường bao gồm: Thị trường hàng hóa (trong đó có thị trường bất động sản), thị trường tiền tệ (thị trường vốn), thị trường lao động nhằm đảm bảo mối tương quan hợp lý giữa các thị trường cũng như tính minh bạch của thị trường.

Nhà nước với tư cách là một chủ thể kinh tế- người cung cấp hàng hóa (DN có vốn đầu tư của Nhà nước hoặc chiếm giữ tỷ phần vốn lớn trong một số lĩnh vực trọng yếu) sẽ gương mẫu tuân thủ các chính sách, pháp luật kinh tế, tuân thủ các nguyên tắc thị trường, cung cấp cho thị trường những sản phẩm hàng hóa với chất lượng tốt, giá cả hợp lý và giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

Thậm chí, Nhà nước còn đứng ra hỗ trợ người sản xuất và DN trong trường hợp bị thiệt hại bởi những rủi ro bất khả kháng tác động đến thị trường. Ví dụ như: Chi trả tiền do dịch tả lợn Châu Phi năm 2020; hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, giảm thuế… do dịch bệnh Covid-19 vào các năm 2020-2021…

Về lý thuyết, nền KTTT sẽ dẫn đến phương thức phân phối thu nhập liên quan đến hiệu suất vì thu nhập phụ thuộc vào năng lực của mỗi người như: Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn cũng như tính năng động và nỗ lực mỗi cá nhân. Những người có trình độ chuyên môn thấp hơn, ít nỗ lực và ít năng động hơn sẽ kém hơn về thu nhập. Ngoài ra, trên thực tế, việc phân phối thu nhập cũng chịu ảnh hưởng của các điều kiện khởi đầu khác nhau, có thể được hiểu bằng thuật ngữ “sức mạnh thị trường” cũng được coi là sự phân phối công bằng và hợp lý.

Tuy nhiên, khi một bộ phận dân cư trở nên nghèo khó và những người yếu thế không thể đối phó với những biến động của thị trường, thì phải cần nhiều hơn đến vai trò điều tiết xã hội của Nhà nước. Khi đó, chính sách thu nhập sẽ là một công cụ điều tiết mạnh mẽ hệ thống cạnh tranh, nhằm sửa chữa những mặt trái của thị trường bằng sự can thiệp của Nhà nước.

Trong nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta, việc bảo đảm an sinh xã hội và công bằng xã hội là một nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước gắn kết với nhiệm vụ phát triển kinh tế. Chính sách tiền lương và thu nhập nhằm ổn định giá cả sức lao động trên thị trường lao động hay đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống cho NLĐ. Nhà nước thực hiện điều tiết thu nhập và phân phối lại thông qua chính sách thuế và chính sách BHXH.

Chính sách thuế nói chung và thuế thu nhập cá nhân sẽ tạo nguồn thu cho NSNN để sử dụng vào những mục đích quốc gia khác nhau, trong đó có việc đảm bảo các chế độ ưu đãi xã hội và các khoản trợ cấp xã hội khi cần thiết. Thực hiện nộp thuế thu nhập cá nhân cũng làm giảm hợp lý về chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. Nhà nước cũng tiến hành phân phối lại thông qua chính sách BHXH và hoạt động này nhằm ổn định đời sống cho NLĐ và các thành viên trong gia đình họ khi gặp phải những rủi ro như: Ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, mất việc làm hoặc già cả và chết.

Hơn nữa, Nhà nước cũng nhận thức rằng, trong điều kiện KTTT, sự bình đẳng về cơ hội và khả năng tận dụng cơ hội cũng là sự công bằng về mặt xã hội. Do đó, hơn bao giờ hết, chính sách xã hội mới phải là đầu tư vào vốn con người hay nguồn lực con người. Tri thức và đào tạo nhanh chóng trở nên quan trọng, bởi lẽ thành công về kinh tế của mỗi quốc gia và của mỗi cá nhân đều phụ thuộc vào hiệu quả của quá trình học tập từ các cấp phổ thông, đào tạo nghề, đại học đến đào tạo nâng cao, nghiên cứu và đổi mới. Vì vậy, vai trò của Nhà nước đối với thị trường cũng bao gồm cả việc đầu tư, phát triển lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Công bằng xã hội ở nước ta cũng bao gồm sự cân bằng lợi ích một cách hợp lý và bền vững giữa các thế hệ kế tiếp. Điều đó được thể hiện một phần ở chế độ hưu trí thông qua việc điều chỉnh lương hưu, nhằm đảm bảo mức sống của người nghỉ hưu cho phù hợp với mức sống chung toàn xã hội hiện thời. Đây là sự phân phối lại giữa các thế hệ trên cơ sở thế hệ trước xây dựng nền tảng để thế hệ tiếp sau phát triển và tạo nền tảng vững chắc hơn cho thế hệ tiếp sau nữa.

Khi nhà nước phát huy đầy đủ vai trò tích cực của mình đối với thị trường và xã hội, mang lại những thành quả thiết thực cho đất nước: Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định kinh tế vĩ mô và bình ổn giá cả hàng hóa; cung ứng đầy đủ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng; NLĐ có đủ việc làm phù hợp với năng lực và có thu nhập như mong muốn; đời sống người dân được cải thiện và không có ai bị bỏ lại phía sau; kinh tế phát triển liên tục và bền vững theo thời gian. Những điều này cũng chính là sự khẳng định lòng tin của người dân, của DN đối với Đảng và Nhà nước; từ đó toàn tâm, toàn ý, đồng lòng tiếp bước trên con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Về phía mình, Nhà nước cần tiếp tục phát huy vai trò điều tiết thị trường và xã hội, tập trung hoàn thiện các nguyên tắc thị trường và thể chế kinh tế, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và năng lực đổi mới của nền kinh tế cũng như khả năng theo kịp của DN và NLĐ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Nền KTTT định hướng XHCN và giải quyết đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa Nhà nước- thị trường và xã hội trong nền KTTT định hướng XHCN là một sự sáng tạo riêng có và thể hiện trí tuệ, bản lĩnh cách mạng của Đảng ta, trên cơ sở nhận thức đầy đủ về lý luận và lịch sử kinh tế thế giới, vận dụng một cách khoa học các quy luật của KTTT vào điều kiện của Việt Nam.

TS.Phạm Đình Thành – Chuyên gia Khoa Kinh tế & Quản lý – Trường Đại học Điện lực

Nguồn: Tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội số ra ngày thứ 5 - 29/7/2021

Link bài viết: http://baobaohiemxahoi.vn/vi/tin-chi-tiet-nhin-nhan-ve-vai-tro-cua-nha-nuoc-trong-nen-kttt-dinh-huong-xhcn-176bcb27.aspx

Bạn cần hỗ trợ?