NỖI NIỀM SINH VIÊN MÙA THỰC TẬP "Biết rồi khổ lắm nói mãi nói mãi"

Thực tập vẫn luôn là một trong những “môn học” quan trọng trong suốt quá trình ngồi trên ghế giảng đường của sinh viên, giúp sinh viên có cơ hội rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế. Tuy vậy, hiện nay có một số trường đại học, cơ quan tiếp nhận sinh viên thực tập vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức, đặc biệt là sinh viên chưa coi trọng vai trò của quá trình thực tập.

 

Trước hết, cũng cần phải thừa nhận một thực trạng rằng: những sinh viên chưa từng một lần đi thực tập cũng cho rằng thực tập thì không cần phải đến công ty nhiều hay không cần phải làm gì cả... Có chăng đi nữa thì cũng chỉ là... pha trà, rót nước hay photocoppy, ngành nào rồi cũng phải có hai cái “kĩ năng” đó để đi thực tập. Mặt khác, về phía các cơ quan tiếp nhận thực tập cũng cho rằng sinh viên thực tập chẳng làm được gì hoặc không giao cho họ những công việc phù hợp với khả năng chuyên môn của sinh viên khi được học trên ghế giảng đường. Điều đó gây cho sinh viên tính trì trệ, thụ động, đồng thời không giúp sinh viên đạt được mục tiêu lớn nhất khi đi thực tập đó là vận dụng những lý thuyết học được áp dụng vào thực tiễn.

 

Thực tập như... đi chơi

 Hiện nay, việc thực tập thật sự chỉ mang một ý nghĩa về hình thức. Có bạn sinh viên đến nơi thực tập chỉ để cho qua ngày và nhận được sự hờ hững từ một số thành viên trong công ty. Có nơi các “sếp” còn hứa hẹn: sinh viên sẽ nhận được những đánh giá tốt chỉ cần đến công ty đầy đủ, dù không biết sinh viên thực tập làm gì và cống hiến gì cho công ty trong lúc thực tập. Đối với những sinh viên thụ động thì nghe được những lời như thế chắc hẳn sẽ vui mừng và sung sướng. Thế nhưng, còn có rất nhiều những sinh viên mong muốn được học hỏi, được trải nghiệm những công việc mà sau khi ra trường sẽ phải làm chứ không phải là ngồi một chỗ rồi chờ những lời hứa suông hay sự hờ hững từ phía các đơn vị thực tập.

 Thực tập cũng phải quen biết

 Ít sinh viên nào tự liên hệ chỗ thực tập, hoặc liên hệ thực tập nơi mà không quen biết. Đa phần, những chỗ sinh viên thực tập đều là những chỗ quen biết, hoặc nhờ người khác để quen biết, mục đích chính vẫn là để có một kết quả nhận xét cho “đẹp”. Điều đó cũng không phải là việc gì lạ lẫm, thực tế, có nhiều trường hợp nếu không phải là con em của ai đó trong cơ quan thực tập thì rất dễ bị bắt bẻ, xin số liệu để viết báo cáo cũng rất khó khăn. Đây là tình trạng chung của hầu hết các sinh viên đi thực tập.

 Báo cáo hay là “báo láo”

 Không ít những số liệu, thông tin trong các bài báo cáo dài hàng chục trang đều được một số sinh viên thực tập copy về từ trên mạng. Thực tế là vậy, nhà trường cũng không phải hoàn toàn không biết, sinh viên thì quá rõ. Nhưng năm này qua năm khác tình trạng đó vẫn cứ tiếp diễn. Thử hỏi chất lượng sinh viên sẽ như thế nào nếu tình trạng đó vẫn cứ đều đặn diễn ra? Đa số mọi người cho rằng phía đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tập coi nhẹ khả năng của sinh viên, không dám cho sinh viên thử sức với công việc để sinh viên có thể rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp của mình. Còn sinh viên, không dám lên tiếng phản hồi với đơn vị thực tập, sợ làm mất lòng đơn vị nơi mình thực tập, cứ “nhắm mắt làm ngơ” để rồi kết thúc một kỳ thực tập mà không mang lại điều bổ ích gì cho bản thân.

 Sau những trang viết dài dằng dặc lại rất ít những trăn trở, những hiểu biết của sinh viên về vấn đề mình vừa báo cáo. Thiết nghĩ thực tập là quá trình hết sức quan trọng, vậy mà cả sinh viên và phía các cơ quan tiếp nhận sinh viên thực tập đều chưa thực hiện đúng với vai trò của mình.

 Hy vọng chúng ta có được sự nhìn nhận lại vấn đề này một cách nghiêm túc hơn và có được một kỳ thực tập vui vẻ, bổ ích và có được những kinh nghiệm cần thiết để sau này có thể tìm kiếm cho mình được một công việc phù hợp

 Nguồn: Sưu tầm

Bạn cần hỗ trợ?